Bạn là người thường xuyên đề xuất những ý tưởng mới, cách làm mới trong mỗi cuộc họp, nhưng tính thực tế còn ít, đôi khi mọi người nhận xét là “mơ mộng”. Hay bạn là người ít nói, không thường xuyên phát biểu, nhưng mỗi lần đóng góp ý tưởng đều là những lần “chất”, tính hiệu quả và thực tiễn cao. Bạn thắc mắc liệu mình có thật sự sáng tạo?

Vậy bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp chính xác tư duy sáng tạo là gì? bản chất của sự sáng tạo? và người sáng tạo sẽ là người như thế nào?

 

Tư duy sáng tạo là gì?

Theo nhà tâm lý học nổi tiếng của Xô Viết X.L Rubinstein  “Sáng tạo là hoạt động của con người tạo ra những chất liệu mới và những chất liệu này có thể là giá trị vật chất hoặc là giá trị tinh thần và mang ý nghĩa xã hội”. Có thể hiểu đơn giản hơn là:

Tư duy sáng tạo (Creative Thinking) là khả năng giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra một cái mới, cách thức mới, tư duy mới nhưng vẫn đạt hiệu quả. Nó là kết quả của sự dám chấp nhận rủi ro, sự tò mò, thích khám phá, sự linh hoạt, cởi mở và là đúc kết từ những trải nghiệm cá nhân liên quan. 

Nguoi-nhan-vien-sang-tao
các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự có tính chủ động và tư duy sáng tạo trong công việc

Vì tư duy sáng tạo luôn hướng đến cách giải quyết vấn đề hiệu quả theo một cách làm mới, suy nghĩ mới nên các nhà tuyển dụng việc làm hiện nay cũng rất ưu tiên những ứng viên có khả năng sáng tạo tốt để luôn giúp công việc đi lên theo những cách hiệu quả và mới lạ.

Bản chất của sáng tạo

Hiểu được bản chất sẽ giúp chúng ta có những phương án luyện tập, cải thiện phù hợp theo đúng định hướng mà không phát triển lệch tư duy. 

Chúng ta thường tin rằng sự sáng tạo chỉ có ở những thiên tài, người có tố chất, sinh ra đã phải sáng tạo và sáng tạo thì không thể rèn luyện được. 

Thế nhưng nhà tâm lý học nổi tiếng Lev Vygotskyi cũng khẳng định 

“sự sáng tạo thật ra không phải chỉ có ở nơi nó tạo ra những tác phẩm lịch sử vĩ đại, mà ở khắp nơi khi nào con người tưởng tượng, phối hợp, biến đổi và tạo ra một cái gì mới, cho dù cái mới ấy nhỏ bé đến đâu đi nữa so với những sáng tạo của các thiên tài”

Sự sáng tạo xuất hiện trong từng giây phút, khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta. Tất cả những hành động vươn ra khỏi những cái cũ và chỉ cần có một chút của sự mới lạ thì đó đều là kết quả của một quá trình sáng tạo. Nhưng sáng tạo thường sẽ bao gồm 3 bản chất cốt lõi sau:

  • Tính mới mẻ

Cái này thì quá rõ ràng và là điều kiện đầu tiên cho sự sáng tạo. Sáng tạo là cần tạo ra cái gì đó “mới mẻ”. 

Sự mới mẻ ở đây không nhất thiết là phải nghĩ hay làm ra một thứ gì đó mới hoàn toàn, mà là sự tổng hợp, biến đổi từ những trải nghiệm, kinh nghiệm sẵn có và tạo ra một thứ “khác” hơn. Đó đã là một sự mới rồi

  • Tính độc lập

Sự độc lập ở đây không có nghĩa là bạn sẽ cô độc, đơn phương độc mã ngồi suy nghĩ, dày vò tâm can. Bạn vẫn hoàn toàn có thể hoạt động tập thể, phối hợp cùng nhiều cá nhân khác nhưng mỗi người sẽ vẫn giữ được sự độc lập suy nghĩ cho riêng mình. 

Nguoi-doc-lap-sang-tao

Tính độc lập sẽ giúp bạn không bị phụ thuộc, và giảm sự “thiên kiến” từ những nhận định cũ, giúp cho sự sáng tạo và ý tưởng đạt hiệu quả cao hơn.

  • Tính hiệu quả, có lợi

Cho dù bạn có nghĩ ra một ý tưởng hoàn toàn mới, một cách thức đột phá, nhưng đấy lại là một ý tưởng bất khả thi, hay không đem lại hiệu quả, lợi ích thực tế thì sự sáng tạo đã thất bại. 

Mọi ý tưởng, đề xuất và nghiên cứu đều hướng đến một giải pháp, kết quả tốt hơn.

Người sáng tạo là người như thế nào?

Nếu bạn cảm thấy mình là người có những đặc điểm sau đây thì bạn đã là người có tư duy sáng tạo vô cùng tốt rồi đó.

Cởi mở và dũng cảm

Người sáng tạo là người luôn sẵn sàng đón nhận những ý kiến, tư duy mới mẻ từ mọi thứ xung quanh. Kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu cũng là một yếu tố để họ có thể hiểu và tiếp nhận những suy nghĩ, ý tưởng khác biệt.

Nguoi-sang-tao-coi-mo-dung-cam

Họ là người sẵn sàng với những ý tưởng mới, không ngại thử thách mà luôn cởi mở đón nhận với mục đích trải nghiệm. Thách thức và kinh nghiệm sẽ luôn là một mục tiêu phát triển sự nghiệp mà những người sáng tạo luôn hướng tới.

Độc lập

Tính độc lập sẽ giúp người có tư duy sáng tạo chủ động làm chủ công việc. Họ sẽ không bị động theo yêu cầu hay hướng dẫn của người khác. Hơn nữa, sự thoải mái và tự do không gò bó khuôn mẫu là những yếu tố quan trọng cho một ý tưởng sáng tạo ra đời. 

Nguoi-sang-tao-doc-lap

Quan sát tốt

Để có thể cho ra những ý tưởng mới, cách thức mới, đòi hỏi người sáng tạo phải có sự quan sát, theo dõi xung quanh. Từ những thông tin, kinh nghiệm có được qua quá trình quan sát, họ sẽ tổng hợp lại, thêm bớt ưu điểm, khuyết điểm và kết hợp chúng lại với nhau để tạo ra những ý tưởng mới lạ nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt.

Nguoi-sang-tao-quan-sat-tot

Tò mò

Như là tiền đề cho tính cởi mở, sự tò mò cũng là một tính cách giúp cho người sáng tạo luôn muốn thử những trải nghiệm mới. Họ còn tăng tính học hỏi và trao đổi quan điểm, tăng những cuộc trò chuyện cùng nhau và những ý tưởng thay đổi từ đó cũng xuất hiện.

Nguoi-sang-tao-to-mo

Hài hước

Bạn không nghe nhầm đâu, khi những người sáng tạo lại thường là những người vô cùng hài hước. Cốt lõi bởi vì, để một câu chuyện hài hước, nó thường được châm biếm, thay đổi từ những góc nhìn cũ thành một góc nhìn mới gần gũi và dí dỏm hơn. Sự hài hước luôn có sự mới mẻ, thú vị mà người nghe ít ngờ tới. Vì vậy, những người hài hước thì cũng thường có khuynh hướng rất sáng tạo.

Nguoi-sang-tao-hai-huoc

Tưởng tượng

Trí tưởng tượng phong phú, hay hồi đi học các cô hay gọi là “đầu óc trên mây” lại là một yếu tố rất hiệu quả trong quá trình sáng tạo. Người luôn có những suy nghĩ khác biệt trong đầu, đương nhiên thì không phải suy nghĩ nào cũng thực tế, hay hiệu quả, nhưng từ những suy nghĩ “không thực tế đó” mà người sáng tạo mới có thể thu thập và nảy rả một ý tưởng hiệu quả thật sự.

Nguoi-sang-tao-tuong-tuong-phong-phu

Trực giác tốt

Những người sáng tạo cũng sở hữu trực giác vô cùng nhạy bén. Tuy trực giác không phải lúc nào cũng đúng, nhưng họ sẽ luôn tự tin vào khả năng cảm nhận của mình như một ý tưởng tham khảo, không gò bó vào những ý tưởng an toàn, cơ bản. 

Không những vậy, điều này có thể giúp họ tăng nhận thức về những vấn đề xung quanh và cách giải quyết nhanh chóng hơn.

Nguoi-tu-duy-sang-tao-truc-giac-tot

Bài tập rèn luyện tư duy sáng tạo

Thật tuyệt vời khi tư duy sáng tạo không phải là năng khiếu bẩm sinh mà là một tư duy mà chúng ta có thể rèn luyện chúng mỗi ngày. Nhưng bạn cũng sẽ cần tiếp cận tới phương pháp một cách hiệu quả, đúng hướng dẫn và chăm chỉ luyện tập hàng ngày, thì kết quả sẽ tới nhanh hơn.

Kstudy đã đưa ra 4 bài tập rèn luyện tư duy sáng tạo vô cùng đơn giản, dễ thực hiện, và bạn chỉ cần dành 10 phút mỗi ngày để tăng tư duy sáng tạo của mình. 4 bài tập bao gồm: “nối từ, ngẫu nhiên, nhập vai và tương đồng”.

Đọc chi tiết từng bước thực hiện bài tập tại: Làm sao để sáng tạo đúng cách

 

Tổng kết

  • Tư duy sáng tạo là khả năng giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra một cái mới, cách thức mới, tư duy mới nhưng vẫn đạt hiệu quả.
  • Bản chất của sự sáng tạo gồm tính mới mẻ, độc lập, hiệu quả.
  • Người sáng tạo là người có tính cởi mở, quan sát tốt, có tính tò mò, hài hước, trí tưởng tượng phong phú, độc lập, và có trực giác tốt.

Có thể bạn quan tâm:

Làm sao để sáng tạo đúng cách

Làm thế nào để trở thành nhà sáng tạo nội dung