Theo một khảo sát được thực hiện bởi YPulse – một tổ chức chuyên nghiên cứu về hành vi của thế hệ GenZ và Millennials, 75% người dùng mạng xã hội trong độ tuổi từ 13 đến 36 có thói quen chia sẻ meme. Đáng kinh ngạc hơn, 30% trong số đó sử dụng meme để giao tiếp qua Internet mỗi ngày!

Với hơn 40% dân số tiêu dùng thuộc thế hệ Millennials và Gen Z, việc tận dụng memes trong chiến lược Viral Content là điều không thể bỏ qua đối với các Marketer. Hãy cùng Học viện Kstudy khám phá cách thức khai thác sức mạnh tiềm tàng của memes trong thời đại Digital Marketing hiện nay thông qua bài viết dưới đây nhé.

 

Bạn biết gì về Meme marketing?

1. Nguồn gốc ra đời của meme marketing

Nhà sinh vật học tiến hóa nổi tiếng Richard Dawkins lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “meme” trong cuốn sách bán chạy năm 1976 có tựa đề “The Selfish Gene”. Trong tác phẩm này, ông đưa ra thuật ngữ “meme” như một phép ẩn dụ cho gene, đóng vai trò thúc đẩy quá trình truyền tải và sao chép các ý tưởng và yếu tố văn hóa trong một quần thể.

Meme marketing

Sự phát triển của khái niệm meme

(nguồn: Psychology and Marketing, Volume: 39, Issue: 9, Pages: 1775-1801)

Về sau, khi Internet bắt đầu nở rộ và phát triển mạnh mẽ, “meme” còn dùng để gọi những hình ảnh vui nhộn, được sử dụng và chế tác lặp đi lặp lại. 

Cho đến hiện tại, Meme đã trở thành một loại phương tiện truyền thông đa dạng, bao gồm hình ảnh, video, GIF và thậm chí cả âm thanh. Loại hình này liên tục thích ứng và biến đổi, dựa trên các sự kiện hiện tại, xu hướng và văn hóa đại chúng. Meme hiện được sử dụng không chỉ cho mục đích giải trí mà còn cho mục đích marketing và tương tác xã hội.

Từ sức lan tỏa mạnh mẽ của meme, thuật ngữ “Meme Marketing” ra đời. Nó được xem như một nhánh nhỏ thuộc Viral Marketing, và được các thương hiệu sử dụng như công cụ để truyền tải thông điệp quảng bá sản phẩm, xây dựng câu chuyện thương hiệu theo phong cách mới lạ, độc đáo.

Xem thêm: Sử dụng Facebook Audience Insight để phân tích khách hàng

2. Tại sao sử dụng Meme Marketing lại hiệu quả?

Theo nghiên cứu của Paquette, việc sử dụng memes trong quảng cáo có thể tăng tỷ lệ tương tác trên mạng xã hội lên đến 30%, cao hơn nhiều so với CTR chỉ 1% của Google AdWords. 

“Meme” – Ngôn ngữ chung của cộng đồng mạng:

Memes không chỉ là hình ảnh hài hước, chúng còn phản ánh những trải nghiệm chung của cuộc sống. Dù bạn là ai, đang làm gì, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy một meme khiến mình phải gật gù đồng ý. Sự gần gũi này chính là lý do meme kết nối với khán giả theo cách tự nhiên nhất, từ đó xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với thương hiệu.

Memes có khả năng lan tỏa mạnh mẽ:

Bản chất của meme là dễ dàng chia sẻ. Chúng lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội, biến thành công cụ hữu hiệu để xây dựng nhận diện thương hiệu. Bằng cách khuyến khích người dùng chia sẻ meme, thương hiệu có thể tiếp cận đến một lượng lớn khách hàng tiềm năng mà không cần tốn nhiều chi phí.

Meme dễ dàng thu hút sự chú ý:

Khác với các thông điệp marketing truyền thống, meme marketing thường sử dụng yếu tố hài hước và đôi khi là sự ngớ ngẩn, nhờ đó thu hút sự chú ý của người xem một cách hiệu quả hơn. Memes giúp truyền tải thông điệp một cách tự nhiên, tinh tế, giảm thiểu sự khó chịu và khiến người tiêu dùng không cảm thấy bản thân “bị ép” phải nhồi nhét nội dung quảng cáo của thương hiệu.

3. Các hương hiệu áp dụng memes trong chiến lược marketing như thế nào?

Netflix: “Ông vua” Meme Marketing trên các nền tảng mạng xã hội

Netflix có thể coi là một trong những “fan cuồng” chính hiệu của meme marketing. Dịch vụ streaming trực tuyến này thường xuyên đăng tải những meme hài hước liên quan đến các chương trình ăn khách và các phim mới nhất của mình.

Thay vì chạy theo những mẫu meme đang thịnh hành, Netflix thường xuyên tương tác với người theo dõi bằng những meme được tạo trực tiếp từ ảnh chụp màn hình và các đoạn clip của những bộ phim, series ăn khách trên nền tảng của mình.

Meme marketing

Trong hình meme phía trên, Netflix đã khéo léo sử dụng ảnh chụp màn hình từ series phim truyền hình ăn khách Bridgerton (được đề cử giải Emmy) để tạo tình huống hài hước: Mỗi khi một tập Bridgerton mới ra mắt, chẳng ai còn hứng thú đi chơi với bạn bè nữa. Bạn có thể thấy gần như không có quảng cáo lộ liễu nào trong meme marketing này, nhưng nó vẫn cực kỳ hài hước và đánh trúng tâm lý của những mọt phim.

KFC- “Chiến thần” Meme trên nền tảng X

KFC không chỉ nổi tiếng với món gà rán trứ danh mà còn là một bậc thầy meme marketing. Năm 2021, khi bộ phim bom tấn Hollywood “Godzilla vs. Kong” gây sốt toàn cầu, KFC đã nhanh chóng tận dụng sức hút này để quảng bá thương hiệu.

Trên nền tảng X (trước đây là Twitter), KFC đã  sử dụng chiến lược “đánh nhanh thắng gọn”, đăng tải một meme hài hước mô tả cuộc chiến giữa hai quái vật khổng lồ – Godzilla và Kong. Trong meme này, KFC khéo léo biến Godzilla thành đại diện cho chính mình, ẩn dụ cho sự thống trị của KFC trong chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ. Không nằm ngoài dự đoán, meme marketing này đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý và tương tác của đông đảo người dùng.

Meme marketing 2

Chiến dịch Meme Marketing thành công của KFC

Gucci và chiến dịch #TFWGucci: Phá vỡ định kiến bằng meme

Gucci – thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng với hình ảnh tinh tế và sang trọng. Nhưng trong chiến dịch #TFWGucci năm 2017, họ đã quyết định phá vỡ mọi định kiến về thương hiệu của mình. Bằng những meme hài hước và thú vị, Gucci đã chứng minh với đối tượng mục tiêu rằng họ cũng có thể rất “chất chơi” và hợp thời.

#TFWGucci, viết tắt của “That Feeling When Gucci” (tạm dịch: “Cảm giác Gucci là thế nào”), là chiến dịch nhằm quảng bá dòng đồng hồ mới của hãng.

Một ví dụ điển hình là hình ảnh chân dung u buồn của một người phụ nữ được họa sĩ thời Phục hưng Agnolo Bronzino vẽ, kết hợp với dòng chữ “Khi anh ấy mua hoa cho bạn thay vì đồng hồ Gucci” dưới đây:

Meme marketing 1

4. Làm thế nào để triển khai meme marketing hiệu quả?

Chỉ với vài giây tìm kiếm, bạn đã có thể sở hữu kho tàng meme hài hước độc đáo. Tuy nhiên, chỉ hài hước là chưa đủ, bạn cần những memes đủ “lực” để khiến khán giả nhớ đến thương hiệu của bạn.

Trước khi bắt đầu tạo meme marketing, hãy xác định những điều sau:

1. Đối tượng bạn muốn hướng tới là ai?

Giống như bất kỳ chiến lược marketing nào khác, bước đầu tiên khi triển khai chiến dịch, bạn cần phải hiểu rõ đối tượng mục tiêu mà bạn muốn tác động.

Ví dụ, thế hệ Millennials và Gen Z thường quan tâm đến những xu hướng hiện đại như series Netflix, sản phẩm công nghệ Apple hay tin tức về người nổi tiếng. Do đó, việc sử dụng meme về những thứ không khiến họ hứng thú, chẳng hạn như bóng chày, sẽ ít hoặc không có tác động tới nhóm này.

Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng triết lý kinh doanh: Đừng bán thứ bạn có mà hãy bán thứ khách hàng cần. Đừng quá chú trọng vào việc phải bán được sản phẩm mà marketing memes cần phải tạo sự cân bằng giữa quảng cáo và thu hút khách hàng. Hãy nghĩ về điều gì làm cho sản phẩm của bạn trở nên tuyệt vời, điều gì khiến người dùng của bạn trở nên độc đáo, điều gì kết nối bạn với khách hàng của bạn.v.v…

2. Biến tấu meme theo cách độc đáo

Sử dụng những meme quá “cũ”  không phải là một ý tưởng hay. Memes thay đổi liên tục tùy vào xu hướng của cộng đồng, bạn không thể dùng mãi một meme đã được đối thủ áp dụng từ 3 năm trước để thu hút khán giả mục tiêu. Nội dung của bạn cần phải có sự độc đáo để nổi bật.

Mục tiêu của bạn là thu hút khán giả bằng những tiếng cười sảng khoái. Tuy nhiên, đừng quên rằng bạn đang sử dụng meme cho mục đích marketing. Điều quan trọng là phải gia tăng nhận diện thương hiệu trong chiến lược digital marketing.

Hãy hiểu ý nghĩa của meme và suy nghĩ cách biến tấu nó sao cho phù hợp với thương hiệu hoặc sản phẩm của bạn. Bạn có thể khéo léo lồng ghép khẩu hiệu, tên thương hiệu, sứ mệnh, hoặc đơn giản là hình ảnh của thương hiệu vào meme để củng cố thương hiệu trên mạng xã hội.

3. Bắt kịp các xu hướng thịnh hành

Trong marketing meme trên mạng xã hội, yếu tố thời điểm đóng vai trò then chốt. Bạn cần “chạy đua” với các hot trend trên Twitter và Facebook để xem mọi người đang bàn tán những gì? Thái độ của khán giả đối với những sự kiện đó ra sao? Hãy cố gắng nghe ngóng tin tức và cập nhật xu hướng trên mạng xã hội và kết nối chúng với thương hiệu và sản phẩm của bạn một cách độc đáo.

Nếu nắm bắt được các chủ đề thịnh hành và tạo meme ngay thời điểm đó, cơ hội lan truyền (viral) trên mạng xã hội của bạn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, hãy sử dụng meme một cách chừng mực để tránh gây phản ứng ngược dội lại từ phía công chúng.

Xem thêm: Ngành Digital Marketing là gì? Cơ hội việc làm của giới trẻ

Lời kết

Mặc dù Meme Marketing là một công cụ mạnh mẽ, nhưng nó cũng đi kèm với những rủi ro nhất định. Sử dụng meme không phù hợp có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực từ người xem, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu mà bạn đã dày công xây dựng.

Vì vậy, khi sử dụng meme trong chiến dịch marketing, hãy luôn theo dõi phản ứng của người xem để kịp thời điều chỉnh bạn nhé!

Chúc bạn thành công!

———————————————————-

KSTUDY – HỌC VIỆN THIẾT KẾ VÀ MARKETING ỨNG DỤNG

Bạn có thể quan tâm: Khám phá chiến lược Marketing của Lifebuoy