Đại dịch Covid-19 đi qua đã tác động khiến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp thay đổi. Không ít lĩnh vực thiệt hại vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những đợt giãn cách kéo dài, nhưng bên cạnh đó có những doanh nghiệp – dịch vụ vẫn kiên cường thích nghi và hoạt động hiệu quả.
Đối diện cú “sốc từ” đại dịch Covid-19
Covid-19 ập tới thực sự đã giáng 1 đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đã chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch này. DN buộc phải lựa chọn: hoặc phá sản hoặc thay đổi mô hình để tiếp tục tham gia cuộc chơi, “sống sót” chờ đợi đến thời điểm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Covid-19 ập tới đã giáng 1 đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, trong đó có các doanh nghiệp (DN) Việt Nam
Theo thống kê, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Chia sẻ về những ngày khó khăn trong và sau khi đại dịch Covid-19 ập tới, anh Nguyễn Đình Khiêm, đại diện Kstudy Academy – một đơn vị hoạt động trong mảng đào tạo, cung cấp nhân lực và cho thuê văn phòng chia sẻ, cho hay, khi đợt Covid-19 bùng phát và áp dụng các lệnh phong toả, gặp “cú sốc” đa số doanh nghiệp sẽ bị trì hoãn trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Khi đó, đa phần mọi người sẽ có tâm lý chờ đợi và mong rằng đợt dịch này sẽ sớm qua đi, tuy nhiên khi gần 1 năm trôi qua với những biến động không lường trước được thì cả người tiêu dùng và doanh nghiệp mới bắt đầu chấp nhận sự thật rằng cần phải thích nghi.
“Kstudy Academy cũng không ngoại lệ, khi Covid-19 mới diễn ra, trung tâm phải cho các bạn học viên nghỉ học, đồng thời cũng không tuyển sinh được lớp mới. Trong khi đó, mặt bằng vẫn phải trả tiền thuê, lương nhân viên vẫn phải trả và mọi thứ gần như đi vào ngõ cụt, mỗi ngày trôi qua đều phải bù lỗ.
Tuy nhiên, sau một thời gian khoảng 6 tháng – khi thị trường bắt đầu chấp nhận việc học online, trung tâm chúng tôi cũng ngay lập tức tổ chức học trở lại nhưng với hình thức online. Mọi hoạt động tại trung tâm dần phục hồi và bất ngờ đã có biến đổi so với trước dịch” – anh Khiêm thông tin.
Lớp học không biên giới
Đặc biệt, sau khi kết thúc 2 năm dịch bệnh, tính đến nay Kstudy đang đào tạo song song cả online và offline, trong đó có tới 50% người học online đến từ các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí có cả những du học sinh và người Việt đang ở nước ngoài cũng theo học… với doanh thu tăng trưởng 3 đến 4 lần so với trước dịch.
Nhờ đào tạo online Kstudy Academy đã thích nghi và hoạt động hiệu quả từ sau đại dịch Covid-19
“Đại dịch Covid-19 đi qua, thị trường đào tạo nói chung trở nên không biên giới, người học không kể trong nước hay ở nước ngoài cũng có thể học, vừa tiết kiệm công sức đi lại đồng thời giảm được rất nhiều chi phí và thời gian. Các đơn vị đào tạo như Kstudy Academy cũng mở rộng được thị trường của mình gấp nhiều lần thay vì phải đi mở nhiều chi nhánh tốn kém và nhiều rủi ro” – đại diện Kstudy Academy nói.
Với lĩnh vực cho thuê văn phòng, vị đại diện Kstudy Academy cho hay, Koworking.net – điểm cung cấp văn phòng chia sẻ này đã khai thác được 90% không gian so với trước dịch (chỉ là 60%).
Dịch vụ văn phòng linh hoạt cũng tăng trưởng mạnh tại Kstudy Academy kể từ sau đại dịch
“Thời điểm dịch bệnh diễn ra, các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động dẫn tới trả một loạt mặt bằng, nhất là những mặt bằng đắt đỏ và rộng lớn để tối ưu hoạt động và chi phí, song song với đó là việc dịch chuyển và cắt giảm nhân sự cũng khiến các doanh nghiệp sau dịch bệnh quen với việc phải vận hành tinh gọn hơn, từ đó các doanh nghiệp ý thức hơn đến việc quản trị rủi ro và tối ưu chi phí, vì vậy sau khi hết dịch bệnh các mặt bằng linh hoạt, giá rẻ hơn và dễ thay đổi được quan tâm hơn những mặt bằng rộng lớn, có hợp đồng thuê lâu dài và nhiều ràng buộc” – anh Nguyễn Đình Khiêm nói thêm.
“Phao cứu sinh” từ số hóa
Tương tự, là một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm hội nghị truyền hình, ông Nguyễn Danh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ademax (Ademax) cho hay, nếu như trước đây các đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đối với giải pháp hội nghị truyền hình thì khi dịch Covid-19 xảy đến, đây sẽ là cơ hội cho Ademax truyền thông và tiếp cận doanh nghiệp, cũng là cơ hội để các nhà quản trị dễ tiếp nhận giải pháp của Ademax.
Các gói giải pháp hội nghị truyền hình cũng trở nên hữu ích tại nhiều doanh nghiệp khi dịch Covid-19 xảy đến
Đặc biệt, theo ông Thuận, hiện nay chúng ta đang trong thời kỳ số hóa, Chính phủ đang khuyến khích và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, điều đó hết sức thuận lợi cho các tổ chức và doanh nghiệp trong công tác ứng dụng CNTT cho công tác quản lý, quản trị của mình.
Việc ứng dụng hội nghị trực tuyến, AV tích hợp, CNTT sẽ giúp cho doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh cũ sang mô hình kinh doanh mới. Công nghệ sẽ giúp cho các doanh nghiệp định nghĩa lại không gian làm việc tức là làm việc ở mọi nơi, mọi lúc. Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và tiếp cận nền kinh tế toàn cầu, cụ thể là nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý, quản trị, tiết kiệm về chi phí, thời gian và tối ưu hóa được nguồn lực.
Theo ông Nguyễn Danh Thuận, Tổng Giám đốc Ademax, khi dịch Covid -19 xảy ra, những doanh nghiệp đã trang bị những nền tảng công nghệ, đã số hóa doanh nghiệp thì họ có thể làm việc ở bất kỳ đâu
“Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ (trong đó có hội nghị truyền hình) cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng đối phó với những thách thức, những biến cố, thậm chí là thảm họa. Cụ thể như thời gian qua, chúng ta đối đầu với đại dịch Covid -19, những doanh nghiệp đã trang bị những nền tảng công nghệ, đã số hóa doanh nghiệp thì họ có thể làm việc ở bất kỳ đâu, họ cùng làm việc trên những nền tảng, không gian và dữ liệu làm việc là ảo hóa, nhanh, gọn và thực sự hiệu quả” – Tổng Giám đốc Ademax khẳng định.
Có thể thấy chuyển đổi số được xem như là “phao cứu sinh”, là “ánh sáng cuối đường hầm” – xu hướng không thể đảo ngược để doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn của đại dịch.
“Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dễ bị tổn thương và chậm chuyển đổi nên họ phải dùng đến “đòn bẩy số” để “vá lại các vết thương”, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ.
Theo: Báo Giáo Dục Thủ Đô