Nhu cầu nhân lực ngành quản trị kinh doanh vẫn đang tăng?
Thị trường việc làm trong những năm gần đây
Thị trường việc làm Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2024 trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến động kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, thị trường cũng ghi nhận nhiều điểm sáng và cơ hội cho người lao động. Mặt khác, nhu cầu nhân lực quản trị kinh doanh tăng nhưng đây cũng là vị trí “dễ thất nghiệp”, đòi hỏi người trẻ trang bị các kỹ năng thích ứng trong bối cảnh kinh tế mới.
Sự chuyển mình nhanh và vội
Đại dịch Covid-19 gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh tế, làm giảm nhu cầu tuyển dụng và tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các ngành, bao gồm cả ngành quản trị kinh doanh. Các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề có thể kể đến: du lịch, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ…
Suy giảm kinh tế toàn cầu do đại dịch cùng lạm phát tăng và khủng hoảng năng lượng, đã tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Tháng 1/2024 đã chứng kiến một làn sóng sa thải lớn trong ngành công nghệ khi gần 100 công ty, bao gồm những tên tuổi lớn như Meta, Amazon, Microsoft, Google và TikTok, thông báo cắt giảm tổng cộng khoảng 25.000 nhân viên.
Trong một diễn biến khác, AI – trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển nhảy vọt, tác động rõ rệt đến thị trường việc làm toàn cầu, với mức độ ảnh hưởng khác nhau theo mức độ phát triển của từng nước. Ở các nước phát triển, tỷ lệ ảnh hưởng lên đến 60%, ở các nền kinh tế mới nổi là 40%, và ở các nước nghèo là 26%.
Cơ hội nào cho bạn trẻ khi gia nhập thị trường
Chuyển đổi số và công nghệ tạo ra nhu cầu cao về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển phần mềm, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn. Sự xuất hiện của các ngành nghề mới liên quan đến kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, và phát triển bền vững cũng mở ra nhiều cơ hội mới. Bên cạnh đó, việc phát triển kỹ năng mềm và khả năng đa nhiệm sẽ giúp người trẻ tăng giá trị bản thân trên thị trường lao động.
Khởi nghiệp và tự tạo việc làm là một hướng đi đầy tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ trực tuyến. Xu hướng quốc tế hóa và làm việc từ xa mở ra cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài và tham gia vào các dự án quốc tế.
Nhu cầu về nhân lực quản trị kinh doanh vẫn tăng mạnh
Những tưởng biến động thị trường và sự xâm chiếm của AI sẽ khiến sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh (QTKD) lép vế nhưng không, nhân sự lĩnh vực này vẫn tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp và tổ chức. Thậm chí, theo báo cáo thị trường tuyển dụng gần đây, khoảng 48,1% doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự, cho thấy xu hướng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực QTKD, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Báo cáo của TopCV cung cấp một cái nhìn thú vị về triển vọng thị trường việc làm năm 2024. 75,8% doanh nghiệp được khảo sát khẳng định sẽ tăng số lượng nhân viên trong năm 2024, đặc biệt là với 3 nhóm ngành: Kinh doanh/Bán hàng, IT – Phần mềm, Marketing/Truyền thông/Quảng cáo…
Các con số cho thấy ngành quản trị kinh doanh duy trì được “sức nóng”. Tính linh hoạt và khả năng ứng dụng rộng rãi của kiến thức quản trị kinh doanh cho phép người học có nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực đa dạng. Trong thời kỳ biến động, nhu cầu về lãnh đạo có tầm nhìn càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi những nhà quản lý giỏi để đưa ra quyết định đúng đắn và định hướng phát triển. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tạo ra nhu cầu về nhân sự có kiến thức quản trị hiện đại.
Nhu cầu tăng nhưng vẫn dễ thất nghiệp
Ngành quản trị kinh doanh dù có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng cạnh tranh rất gay gắt. Các ứng viên cần có khả năng phân tích dữ liệu, tư duy chiến lược để ra quyết định nhanh chóng trong môi trường kinh doanh luôn biến động. Kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, và quản lý xung đột cũng rất quan trọng.
Trong khi đó, sinh viên mới tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm và va chạm thực tế. Mặt khác, bối cảnh công nghệ số đòi hỏi nhân sự có nhiều hơn các kiến thức quản trị truyền thống. Cụ thể, nhà quản trị hiện đại cần thành thạo và bổ sung kiến thức và kỹ năng đa dạng các lĩnh vực như phân tích dữ liệu (Data Analytics), Digital Marketing… để cập nhật xu hướng, bổ trợ cho công việc của mình.
Việc làm trong ngành quản trị kinh doanh
Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm nhờ vào tính ứng dụng rộng rãi của kiến thức và kỹ năng họ được đào tạo. Các cơ hội nghề nghiệp tiêu biểu bao gồm nhiều vị trí đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau của doanh nghiệp.
-
Lĩnh vực kinh doanh và Marketing: Nhân viên Kinh doanh, Quản lý Sản phẩm,Nhân viên Marketing… Những vị trí này đòi hỏi khả năng phát triển mối quan hệ khách hàng, xây dựng chiến lược sản phẩm, và thực hiện các chiến dịch tiếp thị hiệu quả.
-
Cấp cao: Quản lý Dự án, Quản lý Chuỗi cung ứng, và Quản lý Chất lượng… đòi hỏi kỹ năng tổ chức, lên kế hoạch và theo dõi tiến độ công việc, cũng như khả năng tối ưu hóa quy trình và đảm bảo chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ.
-
Phân tích và tư vấn: Phân tích Kinh doanh,Tư vấn Quản trị… yêu cầu khả năng phân tích dữ liệu, đưa ra quyết định kinh doanh, và cung cấp lời khuyên chiến lược cho doanh nghiệp.
Những kỹ năng cần có cho người học ngành quản trị kinh doanh
Kỹ năng lãnh đạo: Người làm quản trị kinh doanh cần có khả năng truyền cảm hứng, động viên và hướng dẫn đội ngũ nhân viên hướng tới mục tiêu chung.
Kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề: khả năng phân tích tình huống, đánh giá các lựa chọn và đưa ra quyết định kịp thời, hiệu quả.
Giao tiếp hiệu quả: khả năng truyền đạt ý tưởng rõ ràng, thuyết phục trong các cuộc họp, thuyết trình, và kỹ năng viết báo cáo chuyên nghiệp. Kỹ năng đàm phán và xử lý xung đột cũng rất cần thiết trong việc xây dựng mối quan hệ với đối tác, khách hàng và quản lý nhân viên.
Kỹ năng phân tích dữ liệu và công nghệ thông tin: Khả năng sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, hiểu biết về các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain sẽ tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Tư duy chiến lược và khả năng thích ứng: Người làm quản trị kinh doanh cần có tầm nhìn dài hạn, khả năng dự đoán xu hướng thị trường và linh hoạt điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.
Kỹ năng quản lý thời gian và tổ chức công việc hiệu quả cũng rất quan trọng để đảm bảo hoàn thành nhiều nhiệm vụ đa dạng trong thời gian giới hạn.
Kiến thức về các nguyên tắc và lý thuyết kinh doanh, tài chính, marketing… cũng là một phần được chú trọng giúp cho cho con dân kinh doanh để có thể vững chắc đưa ra những quyết định đúng đắn và chiến lược trong kinh doanh mà còn giúp họ tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường sự cạnh tranh và bền vững trên thị trường. Đặc biệt kỹ năng digital (digital marketing) được liệt kê vào top 5 kỹ năng “must-have” (phải có) trong môi trường làm việc thời kỳ tới.
Nhu cầu nhân lực ngành Quản trị Kinh doanh tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây là là điều kiện thuận lợi để các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành này tiếp cận nhiều vị trí việc làm hấp dẫn với mức lương cạnh tranh. Tuy nhiên, để thành công, sinh viên cần trang bị sẵn sàng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng liên ngành vững vàng, khả năng đa nhiệm, cập nhật năng lực mới; đặc biệt là trải nghiệm thực tế dày dặn để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
Có thể bạn quan tâm: